Kính chào quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây Nguyên hôm nay, chúng tôi có bài viết về kết quả thực hiện chương trình tái canh cà phê của huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, với những hạn chế, phát sinh có liên quan. Tiếp đó là trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý chất lượng nguồn cây giống, đáp ứng tốt nhu cầu tái canh cà phê của nông dân trên địa bàn.

Thưa bà con và các bạn! Di Linh là huyện có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích lên đến gần 42.000ha. Năm qua, Di Linh tiếp tục dẫn đầu trong thực hiện chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, đưa tổng diện tích cà phê đã tái canh đạt gần 40% diện tích cà phê trên toàn huyện. Tuy nhiên, do việc thực hiện tái canh cà phê của người dân nơi đây chủ yếu mang tính tự phát, mỗi nhà làm mỗi kiểu, nguồn giống cung ứng không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tái canh cà phê nói riêng và hiệu quả kinh tế nói chung của nông dân. PV chương trình đề cập qua bài viết sau:

Năm 2013, ngay khi có chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, ông Ninh Khắc Phương, ở thôn 10, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã vay 180 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn để tiến hành ghép cải tạo và tái canh 2ha cà phê của mình. Từ đó, năng suất của vườn cà phê gia đình ông đã tăng lên hơn 5 tấn/ha, sản lượng tăng gần gấp đôi so với trước. Theo ông Phương, để việc tái canh cà phê mang lại kết quả cao nhất, ngoài sự am hiểu kỹ thuật của mỗi nông hộ rất cần có sự nghiên cứu, khuyến cáo từ phía ngành nông nghiệp địa phương:

Chúng tôi chưa được cơ quan chức năng nào về để hướng dẫn kỹ thuật tái canh, đa số bà con tự tìm hiểu rồi làm thôi. Vườn cà phê của chúng tôi đã rất lâu năm rồi, bây giờ không biết chất đất trong vườn thiếu cái gì, thừa cái gì, độ pH ra sao, cần bổ sung cái gì… Phải có cán bộ về hướng dẫn, sau đó hướng dẫn bà con mình bón phân gì cho nó phù hợp.

Do phần lớn việc tái canh cà phê ở Di Linh đều mang tính tự phát, không đồng bộ về yếu tố kỹ thuật và nguồn cây giống nên hiệu quả tái canh cà phê trên địa bàn huyện mang lại chưa cao. Đáng chú ý, trong tổng số gần 17.000ha cà phê đã thực hiện tái canh ở Di Linh, hiện có nhiều vườn cà phê đã phát sinh các loại sâu bệnh gây hại. Theo ông Hoàng Minh Cương, ở thôn 5, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, ngoài đồng vốn được vay từ chương trình tín dụng của Nhà nước, các bước thực hiện tái canh cà phê, quy trình chăm sóc và phương thức lựa chọn nguồn cây giống đều do người dân tự nghiên cứu và áp dụng, vì vậy hiệu quả tái canh mang lại không cao là điều đương nhiên. Ông Hoàng Minh Cương, nói:

Chương trình tái canh cà phê thì tôi tự đi tìm hiểu. Bây giờ mong muốn nhất của bà con nông dân là làm sao hội nông dân, trung tâm nông nghiệp của huyện phải giúp người dân đi thực tế nhiều, qua đó học tập kinh nghiệm về ứng dụng

Theo kết quả kiểm tra của Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các vùng trọng điểm cà phê như, xã Hòa Bắc, Đinh Lạc và Hòa Ninh của huyện Di Linh, diện tích cà phê ghép cải tạo và tái canh sau 2 đến 3 năm đã bị nhiễm bệnh, phổ biến là bệnh vàng lá, hư rễ, cây sinh trưởng và phát triển kém. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nông dân thiếu vốn đầu tư chăm sóc, nguồn giống không đảm bảo chất lượng và bị nhiễm bệnh, kỹ thuật canh tác của nông dân còn hạn chế…

Ông Nguyễn Thế Tiền, Trưởng Phòng Nông và phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Di Linh sẽ tiếp tục thực hiện tái canh hơn 12.000ha cà phê năng suất kém, trong đó có 1 nửa diện tích phải chặt bỏ và trồng mới lại hoàn toàn. Để chương trình tái canh cà phê của huyện mang lại hiệu quả cao và bền vững, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp và các ngành chức năng có liên quan:

Đối với công tác tái canh cà phê thì rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, vì nếu không thì sẽ rất khó thực hiện đạt hiệu quả. Bởi nó liên quan đến rất nhiều việc, như vốn, quy trình kx thuật, rồi còn phải có sự đồng lòng của người dân nữa

Ngoài huyện Di Linh, các vùng cà phê trọng điểm khác của tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng cũng đã tích cực thực hiện chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, nâng tổng diện tích cà phê đã tái canh của tỉnh Lâm Đồng lên hơn 35.000ha. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, những diện tích áp dụng đúng quy trình canh tác, cà phê sau tái canh và ghép cải tạo đều sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh giảm, năng suất tăng bình quân lên đến 2 tấn/ha. Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tái canh, cải tạo gần 60.000ha cà phê còn lại.

Để hoàn thành mục tiêu này, cũng như để đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê của địa phương theo hướng bền vững, ngoài ưu đãi nguồn vốn vay, thiết nghĩ ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, hội thảo đầu bờ về quy trình tái canh, cải tạo cà phê cũng như quản lý tốt hơn nữa nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh và chất lượng./.

Thưa quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Tây Nguyên hiện có hơn 450 nghìn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước, trong đó có cả trăm ngàn héc ta đã già cỗi, khiến sản lượng và chất lượng cà phê của khu vực bị sụt giảm đáng kể. Chính vì vậy, chủ trương thực hiện tái canh cà phê ở Tây Nguyên đang là vấn đề cấp thiết.

Để việc tái canh cà phê mang lại kết quả cao, cũng như các tỉnh khác trong khu vực, tỉnh Lâm Đồng ngoài việc ưu đãi nguồn vốn vay, chuyển giao kỹ thuật canh tác, công tác quản lý nguồn cây giống chất lượng cũng được tăng cường, chú trọng. Trao đổi sau đây với ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xoay quanh nội dung này, mời quý vị và các bạn cùng nghe:

  • Thưa ông, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy mạnh việc tái canh cà phê theo chủ trương của chính phủ, vậy lâu nay công tác quản lý nguồn giống phục vụ việc tái canh này được ngành nông nghiệp thực hiện như thế nào?
  • Như ông vừa nhận định, một số vườn ươm không đảm bảo chất lượng, bán cây giống bị nhiễm bệnh ra thị trường, ảnh hưởng đến kết quả của việc tái canh cà phê, vậy việc này sẽ được chấn chỉnh như thế nào?

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!