Kính chào quý vị, các bạn!

Mời quý vị và bà con nghe chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây Nguyên. Chuyên mục  do Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Khoa Đăng, số 9 Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi phản ánh những nguyên nhân gây hiện tượng rụng trái non cà phê. Phần cuối chuyên mục, phóng viên có cuộc trao đổi với kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thu Thảo, cán bộ trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai về những cách thức phòng trừ hiện tượng này. Sau đây là nội dung chi tiết:

Thưa bà con và các bạn! Những trái cà phê non mới đậu rất nhạy cảm với các yếu tố bất lợi của sâu bệnh, dinh dưỡng và thời tiết. Do đó, để đảm bảo năng suất vườn cây, ở giai đoạn này, các chủ vườn cần quan sát rất kỹ và thường xuyên vườn cây của mình để có các biện pháp bảo vệ trái non cà phê. Phản ánh của Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên:

Ông Phạm Quốc Nam, tổ 17, phường Yên Thế, Pleiku hiện nay có 8 ha cà phê giai đoạn kinh doanh, mỗi vụ cho năng suất trên 12 tấn quả tươi/ 1 ha. Để đảm bảo mức năng suất này, theo ông Nam việc chống rụng trái non cà phê là điều hết sức quan trọng. Nhằm chống rụng trái non, ông Nam thường đảm bảo đủ lượng phân và nước tưới trong các đợt. Nhất là sau những vụ cà phê năng suất cao, vườn cây suy kiệt, ông thường tăng lượng phân so với bình thường. Nếu lượng phân bổ sung này vẫ không đủ, lá cây vẫn vàng, ông thường phun phân bón trực tiếp lên lá, để cây hấp thụ nhanh, giúp các trái non được chắc chắn trên cành. Ông Phạm Quốc Nam nói:

Cây cà phê ra trái, nó cần lượng nước nhất định để đậu trái.Nếu mình có bón phân nhiều, mà không tưới nước đúng chu kỳ thì trái non vẫn rụng. Khi tưới nước thì mình bón phân trên lá để nó nuôi trực tiếp trên lá mới nhanh hơn rễ, thì trái non bớt rụng. Nếu phân bón nhiều mà không tưới nước thì độ ẩm không cho phép, trái non tiếp tục rụng.

Còn với kinh nghiệm hơn 20 năm canh tác cà phê, ông Lê Bá Thắng, ở đường Ung Văn Khiêm, thành phố Pleiku cho rằng, bên cạnh yêu tố nước tưới và phân bón, thì sâu bệnh cũng có khả năng gây rụng trái non hàng loạt trên cây cà phê, trong đó rệp sáp là nguyên nhân chủ yếu. Do đó, sau khi thu hoạch cà phê, ông thường cắt tỉa cành cà phê làm sao để ánh nắng có thể chiếu vào hầu hết các cành khuất bên dưới. Cùng với đó, những cành đã tỉa cần phải đốt, chôn lấp, di dời ra khỏi vườn cây. Nếu vườn thoáng, thì rập sáp không thể gây hại cho quả non vụ sau. Ông Lê Bá Thắng nói:

Xung quanh trái, cuống mà trắng trắng là hiện tượng của rầy sáp. Mà rầy sáp bu vào cuống trái là chùm đó sẽ rụng hết. Khi dọn cành, cắt cành, không chôn lấp, di dời, không đem đi đốt, cứ vãi bừa bãi như thế là sâu bệnh nó lên từ cành đó. Chỉ cần có cành bám vào nụ trái là nó làm rụng trái non.  Giải quyết là chỉ có chôn lấp thôi.

Thưa quý vị và bà con nông dân, để quý vị và bà con có đầy đủ thông tin khoa học về các nguyên nhân, cũng như cách phòng trừ hiện tượng rụng trái non cà phê, phóng viên chuyên mục đã có cuộc trao đổi với kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thu Thảo, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Gia Lai về vấn đề này. Mời quý vị và bà con cùng nghe:

Câu hỏi: Thưa kỹ sư, có những nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng rụng trái non ở cây cà phê?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo: Hiện tượng rụng trái non với cây cà phê diễn ra rất phổ biến. Nguyên nhân thứ nhất do sinh lý, nguyên nhân thứ 2 do bệnh lý. Sinh lý có nghĩa là khi cây mang quá nhiều quả trên cây, không đủ dinh dưỡng nuôi quả thì nó sẽ đào thải bớt, do quá trình thụ phấn kém hoặc thời tiết khắc nghiệt như là quá khô hạn, đậu quả nhiều thì cũng dẫn tới rụng quả non. Còn hiện tượng bệnh lý tức là rụng quả do sâu bệnh hại tấn công. Trong đó, chúng ta thấy đối với sâu hại chủ yếu là rệp sáp và mọt đục cành, mọt đục quả. Đối với rệp sáp, mọt đục cành, mọt đục quả. Để phân biệt bệnh do sinh lý hay bệnh lý, chúng ta quan sát bề mặt cuống quả và vỏ quả. Nếu như vì bệnh lý thì cuống quả có những dấu châm nâu đen và bị lõm xuống. Còn đối với sinh lý thì chỉ bị khô, không có biểu hiện nấm bệnh xuất hiện.

Câu hỏi: Để hạn chế tình trạng rụng trái non cà phê, các chủ vườn cần chăm sóc phân bón cho cây như thế nào, thưa kỹ sư?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo: Cà phê rụng trái đa số không phải do 1 yếu tố gây ra, mà tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài biện pháp về bón phân, chúng ta cũng phải quản lý  vườn 1 cách tổng hợp, nhất là thường xuyên thăm đồng để có các biện pháp phòng trừ bệnh hại. Với việc bón phân, chúng ta nên bổ sung kịp thời lượng chất dinh dưỡng trong cây, trong giai đoạn này, nhất là lân, kali, các yêu tốt vi lượng như Bo, kẽm. Trên vườn, nếu phát hiện sâu hại, chúng ta phải sử dụng thuốc hóa học. Đối với bệnh hại, bà con có thể phun phòng 1 đợt trong năm, thì có thể sử dụng các loại thuốc có gốc đồng như An-vin, tin-supe để hạn chế bệnh rỉ sắt và đốm mắt cua.

Câu hỏi: Trong giai đoạn này, chủ vườn có thể sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật nào để chống và chữa hiện tượng rụng trái non cà phê, thưa kỹ sư?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo:  Như bà con đã biết, giai đoạn mùa khô này, trên vườn thường xuất hiện một số sâu hại, ảnh hưởng chính đến việc đậu quả của cà phê, cũng như là trái non. Để phòng trừ bệnh rỉ sắt, hàng năm chúng ta nên tiến hành phun phòng 1 đợt bệnh là sử dụng các loại thuốc gốc đồng nuhw an-vin, tin-supe. Đối với những vườn bệnh rỉ sắt quá nặng, bà con có thể  cưa bỏ, ghép cải tạo lại, thay thế giống thì cũng sẽ cải thiện bệnh rỉ sắt này. Đối với mọt đục cành, đục quả, là tồn dư của  mầm mống bệnh vụ trước, do đó, bà con chúng ta sau khi thu hoạch xong thì tiến hành  vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom tàn dư thực vật, cắt bỏ những cành mọt, thu gom những quả khô còn sót lại trên cây. Đối với sâu hại là rệp sáp, đây là 1 trong những  loại sâu hại chính, gây hại mạnh vào giai đoạn quả non này thì chúng ta thường xuyên thăm đồng để phát hiện. Khi mật số rệp sáp  trên cây thấp, chúng ta có thể sử dụng vòi nước áp lực cao phun xịt  làm trôi bớt 1 phần rệp sáp. Khi mật số quá cao, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp hóa học, bằng các loại thuốc như an-bum 40EC, pha theo đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì, nhãn mác. Để tăng hiệu quả phòng trừ rệp sáp thì chúng ta có thể trước đó, bà con phun ướt đều các mặt lá, sau đó phun lại thuốc, thì khả năng bám dính của thuốc lên bề mặt rệp sáp thì hiệu lực thuốc sẽ tốt hơn.

Vâng, xin cảm ơn kỹ sư!

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!