Kính chào quý vị, các bạn!

Mời quý vị và bà con nghe chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây Nguyên. Chuyên mục  do Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Khoa Đăng, số 9 Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi phản ánh ảnh hưởng của hạn hán tới sản xuất cây hồ tiêu ở Gia Lai. Phần cuối, phóng viên chuyên mục có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu về những biện pháp chống hạn hiệu quả cho hồ tiêu trong mùa khô. Sau đây là nội dung chi tiết:

Thưa bà con và các bạn! Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nắng hạn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên đã gây ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây hồ tiêu. Nhằm hạn chế tác hại của nắng hạn, hiện nay, nông dân các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Gia Lai đang tìm những giải pháp để chống hạn, tiết kiệm nước, duy trì nền sản xuất bền vững đối với loại cây quan trọng này. Phản ánh của Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên:

Ông Nguyễn Bá Thuận có 20 năm kinh nghiệm trồng hồ tiêu ở tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê cho biết, tình hình nắng hạn trong vài năm trở lại đây đang khiến những người trồng tiêu như ông điêu đứng. Từ diện tích tiêu 4000 trụ, chỉ trải qua 2 mùa hạn hạn hán, nay gia đình ông chỉ còn 500 trụ với năng xuất bèo bọt 2,5 kg/ 1 trụ. Diện tích tiêu đã chết cũng không thể tái canh bởi các điều kiện về đất đai, và khí hậu không cho phép. Vì thế, dù biết cây tiêu là cây trồng siêu lợi nhuận, nhưng ông Thuận đành chấp nhận chuyển đổi sang loại cây trồng khác chịu hạn tốt hơn. Ông Nguyễn Bá Thuận nói:

Thu nhập không mang lại lợi nhuận thì tái đầu tư không có. Tái đầu tư chỉ đủ sản xuất trong năm. Những diện tích chết rồi, tôi chuyển sang một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, một số loại cây khác có hiệu quả.

Nhìn thấy sự tàn lụi của nhiều vườn tiêu ở địa phương, chị Đào Ánh Hồng, một nông dân trồng tiêu ở thôn Mỹ Thạnh 1, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê đang cố gắng tìm các giải pháp để chống hạn cho vườn tiêu của mình. Vườn tiêu của chị Hồng trước đây được trồng trên trụ bê tông, không có cây chắn gió, nên trải qua đợt nắng hạn cách đây 2 năm có biểu hiện suy kiệt. Năm nay, năng suất vườn cây sụt giảm chỉ còn 1,5 kg/ 1 trụ, tức là giảm 2/3 so với các năm trước và có dấu hiệu suy kiệt, thân cành khô, lá rụng, bộ rễ bị tàn phá. Để cứu hạn và khôi phục vườn cây, năm nay chị Hồng quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng chống hạn ngay từ đầu mùa. Chị Đào Ánh Hồng nói:

Tôi chưa quen môi trường thay đổi như thế bao giờ nên không có được cái ý thức làm sao giảm nắng hạn, hoặc có kế hoạch khởi nguồn nước. Noí chung là hoàn toàn bị động, nhất là năm vừa rồi hoàn toàn bị động. Tới đây, tôi bắt đầu có kế hoạch che giàn, trồng cây che bóng mát, trồng trụ tiêu sống và hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, duy trì độ ẩm thường xuyên.

Thưa quý vị và bà con nông dân, nhằm cung cấp cho quý vị và bà con những kiến thức hữu ích về các biện pháp chống hạn hiệu quả cho hồ tiêu trong mùa khô sắp tới, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu. Mời quý vị và bà con cùng nghe:

Câu hỏi: Thưa ông, liên tiếp một vài năm trở lại đây, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyễn diễn ra khá gay gắt, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Hiện nay đang là đầu mùa khô 2017, ông đánh giá như thế nào về khả năng hạn hán trong năm nay?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Theo tôi, năm này, tiếp tục như các năm gần đây, tình hình hạn hán vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Hiện tại, tại các vùng nông nghiệp trọng điểm trồng cà phê, hồ tiêu, hiện tượng thiếu nước tưới đã bắt đầu diễn ra. Với lượng mưa năm vừa rồi, mặc dù kéo dài nhưng không liên tục, không tập trung nên lượng nước ngầm ít, lượng nước mặt thì chảy xuống suối, chảy đi rất nhiều, diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng giảm nhiều, lượng nước ngầm trong đất ít đi.

Câu hỏi: Hạn hán sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Đối với các loại cây trồng nông nghiệp nói chung, cây hồ tiêu nói riêng, nước tưới là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đặc biệt là những loại cây có tính thâm canh cao như hồ tiêu thì nước tưới gần như là yếu tố quan trọng quyết định tới thành công của sản xuất, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất sau này của vườn tiêu. Vì thế, phải nói là nước là cực kỳ quan trọng.

 

Một số vườn tiêu trồng không có cây trụ sống và trồng trên các vùng đồi cao gió nhiều thì người dân cần tưới liên tục, ít nhất là 10 đến 20 ngày, nhiều là 30 ngày là phải tưới 1 lần. Cây phải tưới đủ nước, nếu tưới thiếu nước sẽ làm cho cây mất khả năng sinh trưởng, rụng lá, thậm chí một số vùng thiếu nước nghiêm trọng dẫn tới chết cả cây tiêu. Nếu không chết, nhiều vườn tiêu xấu đi, vào mùa sau không đủ sức sinh trưởng, phát triển, cho hoa, cho quả.

Câu hỏi: Xin ông đưa ra một số biện pháp chống hạn hiệu quả giúp bà con nông dân trồng tiêu hạn chế được rủi ro trong sản xuất?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc: Để sản xuất hồ tiêu bền vững và không ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân, thì những người trồng tiêu cần áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật. Ví dụ như về trụ sống, nên trồng tiêu trên trụ sống. Đối với những vườn tiêu trước đây trồng trên trụ chết như bê tông, trụ gỗ,  thì tiến hành trồng cây che bóng, hoặc áp trụ để tạo ra tiểu khí hậu ôn hòa hơn, giúp cây tiêu tăng khả năng chịu hạn, hạn chế sự mất nước trong vườn cây. Hai là có thể trồng một số cây che phủ đất như cây lạc dại hoặc một số loại cây che mặt tạo độ ẩm trong đất, giúp cây tiêu vượt qua trong mùa khô.

 

Một số giải pháp khác nữa là liên quan tới tủ gốc. Chúng ta nên tủ gốc bằng rơm rạ, hoặc một số phế, phụ phẩm nông nghiệp. Chúng ta có thể sử dụng một số cây như vạn thọ, hoặc một số cây như dã quỳ. Cuối mùa mưa, đầu mùa khô nên sử dụng loại cây đó để tủ gốc, vừa là cây che phủ đất, giảm mất nước, sau này vừa làm phân xanh cho cây. Đó là kỹ thuật tốt, hạn chế nhiều sự mất nước, thiếu nước trong sản xuất. Một số giải pháp tiếp theo là có thể sử dụng các giải pháp tưới tiết kiệm. Hiện nay, các giải pháp tưới tiết kiệm đã được phổ biến trong sản xuất, đặc biệt trong sản xuất hồ tiêu. Một số giải pháp của nước ngoài, như giải pháp tưới của Isaren, giải pháp trong nước như của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hồ tiêu, Viện khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hay một số giải pháp nông dân tự phát triển, không cần quá nhiều nước nhưng vẫn đảm bảo cây sống, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí đầu vào, làm ổn định vấn đề sản xuất hồ tiêu trong mùa khô. Một vấn đề nữa là chúng ta nên sử dụng một số loại phân hữu cơ làm cây khỏe và có thức ăn quanh năm, như thế nó hạn chế rất nhiều tác hại do khô hạn gây ra, làm đất tốt hơn, cây khỏe hơn. Đó là một số cách hạn chế tác hại do thiếu nước gây ra trên cây hồ tiêu.

 

Những vùng biết chắc thiếu nước thì người dân nên phát triển ồ ạt. Khi chúng ta trồng, chúng ta bố trí trồng xen, đa dạng hóa cây trong vườn, không nên trồng thuần quá nhiều. Nếu trồng thuần một loại cây, chăm sóc quá kỹ, không có cây che bóng, không đảm bảo che phủ đất thì lượng nước mất đi trong mùa khô nhiều cũng làm ảnh hưởng phát triển, sinh trưởng của vườn cây.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!