Kính chào quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác nên trong những năm gần đây, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên đã tăng nhanh. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu cũng đang ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành nỗi lo lớn đối với nông dân và ngành nông nghiệp.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây Nguyên hôm nay, chúng tôi giới thiệu một mô hình canh tác hồ tiêu hiệu quả tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là phần khuyến cáo của chuyên viên tư vấn kỹ thuật nông nghiệp Nguyễn Văn Chương – Tổng giám đốc Công ty Khoa Đăng về kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.

Thưa bà con và các bạn! Huyện Đạ Tẻh là vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, với tổng hiện tích hiện có lên đến hơn 200ha. Tuy nhiên, do hầu hết người dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao, thậm chí có nhiều hộ nông dân còn rơi vào cảnh trắng tay do tiêu bị bệnh chết hàng loạt. Vậy làm thế nào để phát triển vườn hồ tiêu bền vững, không bị các loại sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, mô hình sản xuất hồ tiêu hiệu quả của ông Trần Xuân Thăng, ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng được đề cập sau đây sẽ giúp bà con tham khảo và học tập.

Trong khi nhiều vườn hồ tiêu của bà con nông dân trên địa bàn đối mặt với dịch bệnh hoành hành, chết hàng loạt, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thì vườn tiêu rộng 3 sào rưỡi của gia đình ông Nguyễn Xuân Thăng, ở thôn 2, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng vẫn luôn sinh trưởng và phát triển bình thường, quân bình mỗi năm đều cho gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thăng khẳng định, cây hồ tiêu rất phù hợp trên vùng đất này. Sở dĩ vườn tiêu của gia đình ông không bị ảnh hưởng lớn bởi các loại dịch bệnh là nhờ ông luôn đặc biệt chú trọng khâu chăm sóc, đảm bảo áp dụng theo đúng quy trình canh tác mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo. Mặt khác, thường xuyên tìm hiểu thông tin về diễn biến các loại dịch bệnh theo mùa, cùng với các loại thuốc đặc trị để phòng ngừa, không để vườn tiêu bị nhiễm bệnh. Theo ông Nguyễn Xuân Thăng, cây hồ tiêu ở nơi đây thường bị bệnh chết nhanh chết chậm do vậy cần phải chú ý khâu thoát nước vào mùa mưa, và sau mỗi cơn mưa cần phun thuốc để phòng trừ các loại sâu bệnh. Đó là những kinh nghiệm được ông rút ra qua hơn 20 năm gắn bó với cây hồ tiêu. Ông Nguyễn Xuân Thăng, nói:

Bây giờ thông tin tìm hiểu giữa các nhà vườn với nhau thông qua internet, các loại bệnh và các loại thuốc phòng trừ cũng có đầy đủ trên mạng từ các trang khuyến nông nên cần phải thường xuyên cập nhật dễ dàng. Tôi khuyến cáo với các bà con đang trồng trồng tiêu trên địa bàn là, nên lưu ý vào mùa mưa, hệ thống thoát nước của vườn tiêu là phải lưu ýhững vũng nước trong vườn mưa đọng là mình phải xử lý ngay.

Trước đây, có thời điểm diện tích cây hồ tiêu ở huyện Đạ Tẻh giảm xuống đáng kể chỉ còn dưới 50ha do bị chết vì nhiễm bệnh. Do giá hạt tiêu trên thị trường ổn định và tăng cao nên hiện bà con nông dân đã khôi phục lại diện tích vốn có là 200ha. Theo ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch hội nông dân xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, hiện bệnh chết nhanh, chết chậm đang có khả năng tiếp tục bùng phát mạnh, những kinh nghiệm từ mô hình sản xuất cây hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Xuân Thăng sẽ là những kiến thức quý báu để bà con tham quan và học hỏi. Ông Nguyễn Văn Giang, nói:

Gia đình ông Thăng là thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật dể áp dụng vào canh tác vườn tiêu của gia đình đạt hiệu quả, đồng thời ông đúc kết được kinh nghiệm của bản thân để đảm bảo hiệu quả sản xuất hơn. Trong thời gian qua, ông Thăng không chỉ làm tốt vườn tiêu của gia đình mình mà đã chia sẻ kinh nghiệm canh tác cho nhiều người khác trên địa bàn. Chúng tôi cho rằng đây là địa chỉ vườn tiêu hiệu quả để nông dân đến học tập và tìm hiểu

BTV: Thưa quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Vàng lá, thối rễ là bệnh rất phổ biến, khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của người trồng hồ tiêu ở Tây nguyên. Vậy giải pháp nào để phòng chống và xử lý loại bệnh này cho hiệu quả? Trao đổi sau đây với ông Nguyễn Văn Chương, Chuyên viên tư vấn kỹ thuật, Tổng giám đốc Công ty Khoa Đăng sẽ đề cập cụ thể hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông Nguyễn Văn Chương, người trồng hồ tiêu ở Tây nguyên đang khốn đốn với bệnh vàng lá, thối rễ trên cây hồ tiêu, xin ông cho biết biện pháp xử lý tốt nhất?

Ông Nguyễn Văn Chương: Hiện nay cây Hồ tiêu là một vấn đề rất nóng với sự chỉ đạo của chính phủ và ngành nông nghiệp, rất nhiều hội thảo và chuyên đề về hồ tiêu và hiện giờ tài liệu cũng rất là nhiều về hồ tiêu. Nói về hồ tiêu, thật sự thì chăm sóc đơn giản hơn so với cây cà phê. Tại vì sao? Cây hồ tiêu là cây dây leo lâu năm, rễ tơ và bò sát xung quanh mặt đất, rễ này rất nhạy cảm, chuyển hóa dinh dưỡng nhanh và nhiễm bệnh cũng rất nhanh. Để phòng ngừa bệnh trên hồ tiêu thì bà con nên quan sát bộ rễ và thứ hai là hồ tiêu cần ẩm nhưng lại kị nước, nếu mà nước úng thì sẽ nhiễm nấm bệnh từ tuyến trùng qua, từ tuyến trùng tạo ổ, từ ổ này những vi sinh vật có hại, nấm tấn công tiềm ẩn trong cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh chết chậm là do vi rút, do đó công chăm sóc rất nhiều. Và thứ hai bà con phải chú ý tới giống nữa, hiện nay, giống hồ tiêu trồng đại trà, không kiểm soát và không vệ sinh kĩ về hom giống, tự ý cắt mà không sát trùng, cái bệnh vàng lá thối rễ phải coi kĩ bộ rễ hồ tiêu, nếu bị u sần thâm đen, hiện tượng các đốt trên còn ra rễ thì mình có thể dùng thuốc Ric để rắc xung quanh gốc. Bây giờ có Thuốc ĐHST dành cho cây hồ tiêu, thì 1 thùng như vậy là 9 kg, 1 bịch là 3 kg dùng cho diện tích 1 xào. Thì bà con cứ dùng thuốc này rồi 15-20 ngày sau sử dụng phân.

PV: Vậy để cây hồ tiêu đảm bảo năng suất và chất lượng quả, thì người nông dân cần lưu ý những điểm chính nào?

Ông Nguyễn Văn Chương: Bà con phải chú ý phòng trừ, có nghĩa là phòng trước, dùng các thuốc sinh học để phòng trừ, trong đó có thuốc ĐHST RIC 10WP dành cho cây hồ tiêu, thứ hai là các dòng thuốc phòng trừ nấm bệnh. Mà phân thì không được bỏ nhiều, dùng phân là phải đọc cho kĩ, phân là phải có thương hiệu, đọc nhãn rồi mã QR code, rồi mã vạch, nguồn gốc xuất xứ rồi địa chỉ, phải đọc hết các thông tin trên đó,và càng ngày bà con mình càng sử dụng thuốc thông minh hơn, cho nên bà con đánh giá bằng cách bà con sử dụng trên những mô hình sử dụng thử một vài cây, và luôn giữ lại bao bì, bà con phòng ngừa là chính. Đồng thời luôn kiểm soát không cho cây hồ tiêu bị úm, giữ ẩm cho cây hồ tiêu, cái chăm sóc mới là quan trọng Và cuối cùng là phân bón rất là ít, và bón nhiều lần. Thí dụ như cây cà phê bón một năm 3-4 lần, nhưng cây hồ tiêu thì phải bón 10 lần, mỗi lần bón một chút thôi, nó đâu có ăn nhiều, nó là giống dây leo, giống dây rừng được thuần hóa lâu đời.

BTV: Xin cảm ơn ông!

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây nguyên, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Xin kính chào tạm biệt!