Kính chào quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi phản ánh thực trạng trồng hồ tiêu ồ ạt phá vỡ quy hoạch tại tỉnh Đăk Nông, từ đó gây nên nhiều hệ lụy khiến giá hồ tiêu lao dốc không phanh, bị các dịch bệnh chết hàng loạt trên cây trồng. Cũng trong chuyên mục, là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật để biết về những khó khăn của người trồng hồ tiêu cũng như định hướng phát triển hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân trong tương lai.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích cây hồ tiêu của Đăk Nông khoảng 14 nghìn ha, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay con số này đã vượt lên gấp đôi với khoảng 28 nghìn ha. Hậu quả là dư thừa sản lượng dẫn đến giá hồ tiêu lao dốc, cây hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt khiến nhiều nông hộ lâm cảnh nợ nần, trắng tay. Vấn đề nâng cao chất lượng và phát triển bền vững hồ tiêu lại được đặt ra trong bối cảnh loại cây này đang liên tục phát triển “nóng”, vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Phóng viên chuyên mục phản ánh

Vườn hồ tiêu của bà Phạm Thị Chinh, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song. Với diện tích hơn 1ha tiêu kinh doanh, những năm được mùa sản lượng đạt hơn 4 tấn, với giá bán giao động từ 160.000đ đến 180.000đ/1kg bà Chinh thu về gần 1tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay vườn tiêu bỗng dưng bị bệnh chết hàng loạt, cùng với đó giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, hiện nay chỉ còn khoảng 97.000đ/1kg nên mùa thu hoạch tiêu năm nay bà Chinh lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Bà Phạm Thị Chinh, nói:

Bây giờ giá cả giảm như thế này thì chúng tôi không biết là có lên hay còn giảm nữa, tiêu thì cứ chết nên việc trả nợ cho ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn

Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không phát triển cây hồ tiêu trên vùng đất không bảo đảm điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để tránh thiệt hại, nhưng do chạy theo thời giá nên người dân vẫn ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây trồng khác để phát triển cây tiêu. Ông Võ Minh Bình ở xã Thuận An, huyện Đăk Mil có 0,5ha đất trồng cà phê nằm giáp vùng đất lúa. Do thấy giá hồ tiêu tăng cao nên đã vội vã chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và hậu quả toàn bộ gần 500 trụ tiêu kinh doanh bị chết trắng vườn. Hiện nay gia đình đã bỏ rất nhiều tiền mua các loại thuốc để cứu vườn tiêu nhưng không hiệu quả. Ông Võ Minh Bình, nói:

Thấy tiêu chết thì mình cũng ra đại lý bán thuốc nhờ họ vào kiểm tra chất đất và đo độ ph để họ cho thuốc chữa vườn tiêu, tuy nhiên vẫn không thuyên giảm được bao nhiêu, cũng mong bên ngành chức năng giúp đỡ bà con để tiêu không chết

Tình trạng chặt trồng, trồng chặt, sản xuất theo thời giá đã và đang diễn ra nhiều năm nay đối với một số loại cây trồng, gây thiệt hại lớn đối với người sản xuất. Hiện nay cây hồ tiêu đang tiếp tục lặp lại kịch bản, phát triển ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy làm, bất chấp quy hoạch, khuyến cáo của chính quyền địa phương. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có gần 500ha hồ tiêu bị chết. Nguyên nhân dẫn đến cây tiêu bị bệnh chết hàng loạt được chính quyền địa phương các cấp xác định là do người dân canh tác không bảo đảm kỹ thuật, sử dụng nguồn giống nhiễm bệnh, canh tác trên những vùng đất không phù hợp như: đất bạc màu, đất ngập úng…

Định hướng của Đăk Nông là tập trung phát triển hồ tiêu bền vũng theo hướng đa dạng sinh học, tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để hướng vào thị trường lớn trong thời kỳ hội nhập. Tập trung quản lý quy hoạch, chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp; khuyến khích chuyển đổi cây trồng phù hợp, khuyến cáo nông dân không phát triển ồ ạt diện tích; đồng thời chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, thủ tục pháp lý để thành lập nhóm đồng sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất tiêu bền vững… Nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho cây hồ tiêu. Ông Lê Trọng Yên, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Nông, nói:

Để phát triển hồ tiêu bền vững, thứ nhất là chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, thứ hai nữa là tăng cường công tác quản lý giống, thứ ba nữa là liên quan đến phát triển hồ tiêu bền vững thì phải công bố quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, khuyến cáo bà con nông dân không phát triển ồ ạt dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Những diện tích trồng hồ tiêu không bảo đảm điều kiện nước tưới, về độ dốc, về địa hình và thổ nhưỡng thì khuyến cáo chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Đến năm 2018 Sở sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ Đác Nông dự án phát triển hồ tiêu bền vững. Đặc biệt là giải pháp chế biến sâu, xây dựng nhà máy hồ tiêu… để xuất khẩu và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu và thấp nhất trong vòng năm năm gần đây, thế nhưng vẫn không hạn chế được người dân mở rộng diện tích. Ngoài việc chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng tiêu, người dân còn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để ồ ạt trồng tiêu với hàng nghìn ha mỗi năm, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Ngay từ bây giờ người trồng hồ tiêu phải “tỉnh mộng” làm giàu trong “chớp mắt”, có phương pháp canh tác hợp lý, bền vững để không rơi vào ngõ cụt khi giá tiêu đổi chiều hoặc cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm trên diện rộng như thời gian qua.

Thưa quý vị và các bạn, việc phát triển hồ tiêu tự phát phá vỡ quy hoạch đang để lại những hệ lụy không hề nhỏ đối với người nông dân. Làm thế nào để phát triển hồ tiêu bền vững, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm hồ tiêu trong thời gian tới tại địa phương? Phóng viên chuyên mục phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông về nội dung này.

PV: Thưa ông trong thời gian vừa qua thì ở môt số địa phương ở Đăk Nông diễn ra tình trạng chết tiêu chưa rõ nguyên nhân, thì về phía chuyên môn ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Như chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua Đăk Nông phát triển hồ tiêu rất nóng. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con nông dân không nên vội vã phát triển cây tiêu bởi liên quan đến nhiều vấn đề gây thiệt hại đến với bà con nông dân. Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy có tình trạng tiêu bị chết. Theo số liệu điều tra của chi cục trồng trọt và bảo vệ tỉnh Đăk Nông thì trên địa bàn toàn tỉnh diện tích tiêu bị nhiễm bệnh chết chậm và chết nhanh cỡ khoảng 450 ha, trong đó diện tích bị nặng là 70 ha khiến bà con nông dân lo ngại trong phát triển tiêu. Để xảy ra tỉnh trạng này thì như chúng tôi cảnh báo là cây tiêu đòi hỏi điều kiện trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, nếu không dịch bệnh dễ dàng phát sinh, đặc biệt cây tiêu rất dễ mẫn cảm với khí hậu thời tiết cungxn hư các loại sâu bênh, đặc biệt năm nay có những cơn mưa trái mùa và những diện tích không nên trồng thường ngập úng, đây là điều kiện khiến bệnh phát sinh phát triển.

PV: Khi cần thuốc chữa bệnh cho cây hồ tiêu, người dân đôi khi rất lúng túng, và nhiều lúc chữa bệnh cho cây tiêu theo cảm tính, ông có khuyến cáo gì cho việc này?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Thì chúng ta biết tâm lý của người nông dân khi cây trồng bị bệnh thường tìm và có rất nhiều thông tin nhiều luồng, một là có thể do người thân mách lại, hai là ra các đại lý, ba là tìm tòi tìm hiểu trên các thông tin đại chúng, ví dụ như trên mạng hoặc trên các tài liệu, và chúng tôi khuyến cáo trước hết chúng ta nên đến các trạm bảo vệ thực vật hoặc khuyến nông để chúng ta hỏi, tốt nhất là ta nên đem các mẫu vật và mời các cán bộ đến tận vườn, phải đến tận nơi mới xác định được. Đứng ở góc độ chỉ đạo thì hàng năm chúng tôi đều mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân thì chúng tôi mong bà con nên tham gia những lớp như thế này để chugns ta nắm được những kiến thức cơ bản trong trồng tiêu nói chung cũng như phòng trừ các loại bệnh hại khi xảy ra.

PV: Vâng trước thực trạng như vậy thì ông có những khuyến cáo gì đối với bà con?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Để tránh được bệnh trên cây tiêu thì chúng tôi đã khuyến cáo bà con nhiều lần, trước hết để có thể trồng tiêu thì bà con nông dân nên chọn những vùng mà đất đai, điều kiện sinh thái phù hợp trên cây tiêu. Thứ hai là chúng ta quan tâm đến giống cây, khi chúng ta lựa chọn để trồng. Thứ ba là chúng ta phải tuân thủ những quy trình hướng dẫn cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt. thứ 4 là khi sâu bệnh xảy ra thì chúng ta cần liên hệ tới cơ quan chức năng về chuyên môn để hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như những biện pháp phòng tránh bệnh trên cây tiêu và giảm tổn thất cho bà con nông dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!