Kính chào quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi phản ánh thực trạng mất mùa điều nghiêm trọng tại huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông. Tiếp đó là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông về phát triển cây chanh dây bền vững trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Hàng nghìn hộ dân trồng điều tại Đăk Nông đang gặp nhiều khó khăn do mất mùa trên diện rộng.Thực tế cho thấy nhiều khu vực trồng điều sản lượng chỉ bằng 20% năm ngoái, nhiều vườn thậm chí mất trắng. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian vừa qua. Hoàng Qui, Phóng viên chuyên mục phản ánh thực trạng trên tại huyện Đăk Rlấp – Nơi chiếm đến 1/3 sản lượng điều của tỉnh Đăk Nông.

Mùa điều chính vụ năm nay tại tỉnh Đăk Nông đìu hiu khi đa số diện tích đều giảm năng suất trầm trọng. Tại xã Quảng Tín, huyện Đăk R’Lấp, địa phương có diện tích, sản lượng điều vào loại cao nhất tỉnh Đắk Nông, người dân đang rất băn khoăn, lo lắng khi lượng điều thu hoạch được quá ít. Bên cạnh đó, chất lượng hạt điều cũng thấp hơn thấy rõ so với các năm trước. Đây là tình trạng chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Ông Điểu K’ Rắc, ở bon Bobunya, xã Quảng Tín có 2,5 ha điều cho thu hoạch đã trên 5 năm, hàng năm, giá điều ổn định, gia đình ông có thu nhập gần 100 triệu. Số tiền này giúp gia đình ông trang trải cuộc sống ổn định. Tuy nhiên năm nay điều mất mùa thảm hại, mặc dù giá bán được đẩy lên cao với 38.000 đồng 1kg hạt tươi, thì gia đình ông Điểu K’ Rắc thu nhập không có lãi. Ông Điểu K’Rắc buồn bã chia sẻ:

Năm ngoái thu được 4 tấn, còn năm nay thì chưa tổng cộng do chưa hết mùa điều, nhưng tôi khẳng định nhà tôi thu không đủ 1 tấn

Cũng cùng cảnh ngộ trong buôn, ông Điểu K’ Ré buồn bã nhìn vườn điều 6 hecta của gia đình bị mất mùa mà không buồn thu hoạch. Điều mất mùa nên trở thành sốt giá, nhiều thương lái đã tìm đến vườn điều của ông để đặt mua, thế nhưng cũng không ít người phải ra về tay không. Cũng vì chuyện này nên những lúc rảnh gia đình ông lại lụi cụi đi hái điều mà không dám thuê nhân công. Ông Điểu K’Ré, nói:

Năm nay do mưa sớm, mất mùa điều, kinh tế gia đình khó khăn, con cái học hành cũng bị ảnh hưởng. Nguồn thu giảm một nửa so với năm trước. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, định hướng để phát triển kinh tế, hỗ trợ dân chuyển đổi cây trồng.

Trước thực trạng điều mất mùa trên diện rộng, chính quyền xã Quảng Tín đang tiến hành thống kê các hộ dân mất trắng mùa điều, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ. Thực tế cho thấy, việc điều mất mùa gây khó khăn rất lớn đối với đời sống người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số, vốn thu nhập chính từ chuyên canh cây điều. Bà Thị H’Rêu, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tín, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông, nói:

Hiện nay theo kế hoạch của Đảng ủy xã, chúng tôi thống kê các hộ đã mất trắng mùa điều, hoặc các hộ đặc biệt khó khăn để chúng tôi báo cáo với Huyện ủy Đắk R’Lấp để có hướng quan tâm cho bà con trong thời gian tới đây

Huyện Đắk R’Lấp hiện là địa phương có diện tích điều lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, năm nay, gần như 100% diện tích điều trên địa bàn huyện bị mất mùa do mưa đúng vào thời điểm điều ra hoa khiến cây không thể đậu quả. Cộng thêm mưa nắng bất thường cũng tạo điều kiện cho dịch bệnh gây hại trên điều phát triển mạnh. Hiện diện tích điều của cả huyện là trên 5.000 ha, do điều kiện thời tiết năm nay mưa sớm, trúng thời điểm điều ra hoa, cùng với thời tiết bất ổn, làm ảnh hưởng tới quá trình ra hoa đậu quả, dẫn đến điều năm nay mất mùa, nhiều vườn lên đến 80%, ảnh hưởng lớn đời sống bà con nông dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số, vốn chủ yếu thu nhập từ cây điều. Ông Cao Qúy Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Rấp cho biết, phòng nông nghiệp sẽ sớm xúc tiến hỗ trợ bà con một số giống lương thực ngắn ngày để đảm bảo nhu cầu trước mắt. Ông Cao Quý Thương, nói:

Trước hết chúng tôi hỗ trợ bà con các loại giống ngô nếp, rau màu để bà con kịp giao trồng, đảm bảo kịp thời phục vụ cuộc sống. Về lâu dài chúng tôi nghiên cứu chuyển đổi cây điều theo hướng tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, giúp bà con ổn định thu nhấp

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 15.000 ha điều. Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại không cao bằng các loại cây trồng khác nhưng điều là loại cây có khả năng khả năng chịu hạn, chịu độ dốc tốt. Đây cũng là loại cây trồng đem lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước diễn biến khôn lường của thời tiết, cần phải có những giống điều mới, đạt năng suất, khả năng chống chịu bệnh tốt hơn, nhằm đem lại thu nhập ổn định hơn cho người dân.

Thưa quý vị và các bạn, mặc dù được du nhập vào tỉnh Đăk Nông chậm hơn so với các loại cây trồng khác, tuy nhiên cây chanh dây đã đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho nông dân, nhiều hộ trở nên khá giả, giàu có nhờ phát triển đúng lúc loại cây trồng này. Làm gì để phát triển chanh dây đúng cách, hiệu quả, không phá vỡ quy hoạch? Chuyên mục đồng hành cùng nhà nông tuần này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Khải, chi cục trưởng chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông về cây chanh dây, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

PV: Ông cho biết thực trạng trồng cây chanh dây ở Đăk Nông trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Cây chanh dây đã được đưa vào Đăk Nông của chúng ta hơn 10 năm rồi. Thời kì đầu tiên thì có vài chục Hecta, nhưng sau đó giá cả được thì diện tích chanh dây lên tới 500 ha và đem lại hiệu quả rất lớn cho bà con nông dân. Tuy nhiên khi phát triển ồ ạt thì sẽ nảy sinh hai tình trạng, thứ nhất là gióng sô bồ và không đảm bảo chất lượng, thứ hai là sản xuất nhiều nhưng không quan tâm đến phòng trù sâu bệnh, chúng ta sản xuất ồ ạt cung vượt quá cầu nên diện tích giảm xuống, có những lúc diện tích cao lên tới 500 ha, nhưng đã có lúc diện tích chỉ còn 20 hecta

PV: Như vậy thì theo ông đánh giá cây chanh dây có phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Đăk Nông hay không?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Điều đầu tiên có thể khẳng định là cây chanh dây rất phù hợp với điều kiện sinh thái của Đăk Nông, khi trồng thì sinh trưởng phát triển rất là tốt, cho năng suất cao, thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Chúng tôi cũng đã từng khuyến cáo đây là cây trồng có thể đem vào làm đa dạng hóa sản phẩm đối với địa bàn Đăk Nông. Cón hững thời kì cây chanh dây đã trầm lắng do giá cả và sâu bệnh hại, cho đến thời điểm 3 đến 4 năm gần đây thì cây chanh dây lại bắt đầu phát triển ở Đăk Nông. Theo số liệu của chúng tôi tổng kết thì năm 2016 lượng giống nhập vào tại tỉnh Đăk Nông khoảng gần 1 triệu cây, như vậy nó tương ứng với gần 1000 hecta, vượt so với quy hoạch khoảng 500 hecta. Từ đầu năm đến nay lượng nhập vào của cây chanh dây đến hết tháng 2 khoảng trên 100 hecta, điều này cho thấy cây chanh dây đang có sức hút rất lớn với bà con nông dân.

PV: Được biết là một số hộ dân trồng chanh dây nhưng đến khi thu hoạch thì không ra trái, sự việc này được hiểu như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Khải: Trong thời gian vừa qua đã có những tình trạng bà con nông dân phản ánh và chúng tôi cũng đã đi xem thực tế có một số vườn không ra trái, bà con nông dân và một số cơ quan báo chí nói rằng do giống. Nhưng qua tìm hiểu thì chúng tôi xin tư vấn bà con nông dân như thế này, để cây chanh dây ohats triển và cho năng suất cao thì giống là một trong những yếu tố rất quan trọng, thứ hai là chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thứ ba là năm nay có những hiện tượng chanh dây không ra trái, có thể từ tháng 9 đến tháng 12, đây là liên quan đến khí hậu thời tiết

PV: Xin cảm ơn ông!

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!