Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang tiến hành rà soát toàn bộ lượng thuốc BVTV nhập khẩu trong 5 năm gần đây và thực trạng sử dụng các loại thuốc này trên phạm vi cả nước.
Hình minh họa

Hình minh họa

Theo đó, một “Hội đồng khoa học” sẽ được thành lập nhằm đánh giá lại những loại thuốc nào gây bệnh cho người như ung thư, rối loạn chức năng sinh sản, ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và hình ảnh của nông sản Việt Nam… để trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem xét, loại bỏ ra khỏi danh mục được phép lưu hành.

Tính đến nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên thị trường trong nước (theo Cục BVTV công bố) gồm 1.173 hoạt chất với gần 4.100 nhãn hiệu thương mại. Số lượng này là quá nhiều gây khó cho người nông dân trong việc lựa chọn và sử dụng. Ngoài ra, con số 4.100 nhãn hiệu thương mại thuốc BVTV cho thấy, cùng một bệnh trên một cây trồng đã có rất nhiều loại thuốc khác nhau. Trên thực tế, trong những loại thuốc này, đôi khi hàm lượng chỉ chênh nhau một chút, hoặc đơn vị sản xuất cho thêm một chất gì đó rồi đặt một tên khác. Thậm chí, có trường hợp thuốc xuống cấp lại đổi tên.

GS Nguyễn Lân Dũng (Đại biểu Quốc hội khóa 10, 11, 12) cho biết: Hàng năm, Việt Nam đã bỏ ra tới 774 triệu USD để nhập về khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu, bao gồm trên 4.000 loại thuốc BVTV khác nhau với số lượng nhập khẩu 90% là từ Trung Quốc. Cũng theo GS Nguyễn Lân Dũng, rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra, có khi với hàng trăm công nhân ở bếp ăn tập thể và việc nhiễm độc gây căn bệnh ung thư đang là một nguy cơ lớn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trong năm nay hai loại hoạt chất là Carbendazim và Paraquat cùng hơn 300 nhãn hiệu thuốc BVTV liên quan đến hai loại hoạt chất này sẽ không còn được phép lưu hành.

Carbendazim là tên một hoạt chất dùng để diệt nấm trên nhiều loại nông sản, nhưng qua kiểm tra, khảo sát cho thấy việc sử dụng chất này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng và hình ảnh của nông sản Việt Nam. Hai sản phẩm là tiêu và mật ong của Việt Nam đã từng khốn đốn vì có hoạt chất này khi xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU… Tương tự, hoạt chất trừ cỏ Paraquat cũng sẽ bị loại bỏ trong danh mục hoạt chất được sử dụng trong nông nghiệp, do ảnh hưởng đến môi trường đất, nước.

Với một thời gian quá dài, lên đến 5 năm để hàng ngàn hoạt chất thuốc BVTV, gồm trên 4.000 nhãn hiệu thương mại tung hoành trên thị trường với chất lượng từ “thượng vàng đến hạ cám”, nay Bộ NN-PTNT mới tiến hành việc rà soát, lập “Hội đồng khoa học” để đánh giá, loại trừ những thuốc nào gây ung thư, rối loạn chức năng sinh sản, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… thì liệu hành động này có quá muộn hay không? Xin nêu câu hỏi về trách nhiệm và mong lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sớm trả lời.

Nguồn: nguoitieudung.com.vn