Kết thúc niên vụ cà phê 2012-2013, nhiều khoảnh vườn cà phê già cỗi ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà đã tăng năng suất từ 20-25% nhờ tạo mới bộ rễ từ một chế phẩm sinh học được sản xuất tại Đà Lạt, tên gọi là Ric. Hiện Ric đang tiếp tục chứng tỏ tác dụng “bồi bổ” cà phê ra hoa đạt hiệu quả tốt nhất ở Lâm Đồng.

Theo anh Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, Đà Lạt (gọi tắt là Công ty Khoa Đăng, Đà Lạt): Lâm Đồng hiện có 150 ngàn ha cà phê, trong đó chiếm hơn 87% diện tích cà phê vối (robusta), đạt năng suất trung bình hàng năm trên dưới 4 tấn nhân/ha. Nhìn tổng thể, cà phê vối đã và đang mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, để cà phê vối phát triển ổn định và bền vững, điều bức thiết hiện nay cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để “trẻ hoá” trên 30% diện tích cà phê vào tuổi già cỗi, giá trị kinh tế ngày càng xuống thấp. Trong đó việc tạo rễ mới cho cây cà phê già là một giải pháp đầu tiên được triển khai trên địa bàn Lâm Đồng từ tháng 8/2012 đến nay, gồm 5 mô hình tại thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng.

Trên tổng nguồn vốn 1 tỷ đồng từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, mỗi mô hình thực hiện trên 1 ha cà phê vối trong thời kỳ kinh doanh trên dưới 15 năm tuổi (thuộc lứa cà phê đang già cỗi ở Lâm Đồng). Cụ thể gồm 0,5 ha sử dụng thuốc Ric để trình diễn mô hình; 0,5 ha còn lại làm vườn đối chứng sản xuất theo kinh nghiệm hiện thời của nông dân. Công ty TNHH Dịch vụ khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, Đà Lạt chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật và cũng là đơn vị trực tiếp sản xuất ra chế phẩm Ric (còn gọi là thuốc điều hoà sinh trưởng cây cà phê), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng ở Việt Nam theo Quyết định số 76, ngày 25/6/2008. Đây là thuốc sinh học, dạng bột mịn màu hồng, dùng bón trực tiếp vào gốc hoặc hoà tan với nước tưới xuống gốc, phun qua lá cây cà phê. Thời gian thực hiện 5 mô hình điểm sử dụng thuốc Ric trong vòng 1 năm – từ tháng 8/2012 đến hết tháng 8/2013.

Phục hồi vườn cà phê già cỗi cho năng suất cao

Phục hồi vườn cà phê già cỗi cho năng suất cao

Đến thời điểm cuối tháng 2/2013, trên mỗi mô hình điểm với 0,5 ha được bón 2 đợt thuốc Ric. Với liều lượng 2,5 kg phân thuốc Ric trên 0,1ha cà phê của 5 vườn mô hình, đợt 1 đã bón vào tháng 9/2012; đợt 2 đã bón từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2013. Qua kiểm tra bộ rễ cà phê vối sinh trưởng sau các thời điểm bón phân Ric 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày cho thấy: Chiều dài tăng thêm rễ mới trên mỗi cây của vườn mô hình dài hơn cây của vườn đối chứng nhiều nhất là từ 7mm-9,4mm; số lượng rễ mới phát triển trên mỗi cây của vườn mô hình nhiều hơn vườn đối chứng cao nhất là từ 2,4 đến 3,7 nhánh rễ chính; trọng lượng rễ tơ của vườn mô hình tăng cao hơn vườn đối chứng lên đến từ 8-10,5 gam/cây. Bên cạnh đó, tỷ lệ lá vàng ở vườn mô hình đã giảm nhiều hơn tỷ lệ lá vàng ở vườn đối chứng từ 11,2%-30,9%…

Kết quả lần đầu sử dụng phân bón Ric của Đà Lạt trên cây cà phê vối robusta già cỗi ở 5 mô hình điểm trong tỉnh Lâm Đồng đều đạt sản lượng cà phê nhân trong niên vụ 2012-2013 cao hơn so với vườn đối chứng lần lượt trên 1 ha từ thấp đến cao là 490 kg (Bảo Lâm), 580 kg (Đức Trọng), 670 kg (Bảo Lộc), 690 kg (Lâm Hà) và 816 kg (Di Linh). Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận của vườn mô hình tăng cao hơn so với vườn đối chứng từ 25-30%…

Nhiều kỹ sư nông nghiệp ở Lâm Đồng cho rằng, cà phê robusta trên thế giới phát triển đến 30 năm tuổi mới phân loại là lứa cà phê già cỗi. Nhưng do tập quá, chế độ canh tác chưa đạt yêu cầu về khâu cải tạo đất, khâu bón phân chưa đảm bảo dinh dưỡng, nên cà phê robusta ở Lâm Đồng mới trên dưới 15 năm tuổi đã phải gọi là “già trước tuổi” vì giá trị kinh tế quá thấp kém. Với hiệu quả tạo rễ mới trên cây cà phê già trên 5 mô hình điểm nêu trên, chế phẩm sinh học Ric của Công ty Khoa Đăng, Đà Lạt sản xuất đã và đang góp phần tích cực “trẻ hoá cà phê” những năm trước mắt cũng như lâu dài trong chương trình tái canh cà phê ở Lâm Đồng nói riêng, ở vùng Tây Nguyên nói chung.