Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi, cung cấp cây giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi… đến nay Lâm Đồng trở thành địa phương dẫn đầu khu vực Tây nguyên trong thực hiện chương trình tái canh cà phê của Chính phủ.

Cà phê tái canh đạt năng suất cao

Cà phê tái canh đạt năng suất cao

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sau 3 năm triển khai chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, đến nay Lâm Đồng đã có hơn khoảng 25.000 ha cà phê được trồng mới, tái canh và cải tạo, chiếm đến 60% diện tích cà phê được tái canh ở Tây nguyên. Để có được kết quả này, ngoài tăng cường vốn tín dụng, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác, ghép cành, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai xây dựng thành công nhiều mô hình tái canh, làm trẻ hóa vườn cà phê bằng các loại chế phẩm nông nghiệp, sau đó nhân rộng tại các vùng cà phê trọng điểm của tỉnh.

Là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình này, bà Nguyễn Thị Kim Chi, ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, sản lượng vườn cà phê của gia đình đã nâng lên thấy rõ. Khi sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP của Công ty Khoa Đăng để cải tạo vườn cà phê già cỗi cho năng suất kém của gia đình, chỉ sau 2 năm sử dụng sản phẩm này, vườn cà phê cằn cỗi ngày nào của gia đình giờ đã trở nên luôn xanh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, cho năng suất bình quân hàng năm đạt từ 4 đến 5 tấn cà phê nhân khô/ha, tăng gần gấp đôi so với trước.

Cũng như bà Chi và nhiều nông dân khác, ông Nguyễn Quang Hưng, ở thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, nhờ được ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ chồi ghép giống mới, chuyển giao kỹ thuật ghép cành và tư vấn sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP để cải tạo vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp, doanh thu từ vườn cà phê của gia đình đã tăng cao. Ông Hưng cho biết, phương pháp thực hiện cải tạo vườn cà phê già cỗi của gia đình mình là hết sức dễ dàng và ít tốn kém. Trước hết sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP để tạo bộ rễ cho cây cà phê nhanh chóng phục hồi và phát triển, sau đó mới là tiến hành ghép chồi bằng giống cà phê thuộc dòng vô tính TR4, giai đoạn còn lại là chăm sóc bình thường như những vườn cà phê khác. Chỉ sau 2 năm thực hiện, những cây cà phê ghép trên thân cây cà phê già cỗi trước đó đã phát triển tốt và cho thu hoạch, với những ưu điểm vượt trội: quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày, ít sâu bệnh và không có hiện tượng lá vàng, rụng quả. Theo tính toán của ông Hưng, sản lượng vườn cà phê 1 héc ta của gia đình đã tăng gần gấp đôi so với trước khi chưa thực hiên cải tạo.

Nông dân sử dụng TĐHST RIC 10WP để tái canh cây cà phê tại Lâm Đồng

Nông dân sử dụng TĐHST RIC 10WP để tái canh cây cà phê tại Lâm Đồng

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện ngoài biện pháp chặt bỏ sau đó trồng mới, tỉnh Lâm Đồng đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng thêm một phương pháp khác trong cải tạo và nâng cao năng suất từ những vườn cà phê già cỗi rất hiệu quả, lại ít tốn kém. Đó là sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP của Công ty TNHH Dịch vụ KHKT Khoa Đăng, có trụ sở tại TP. Đà Lạt. Kết quả triển khai 5 mô hình thực nghiệm trên vườn cà phê của nông dân cho thấy, các mô hình đều cho tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Dùng sản phẩm này giúp cà phê ra hoa tập trung, tăng quá trình đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả trong mùa mưa, cà phê ra rễ nhiều và hạn chế hiện tượng thối rễ, vàng lá. Năng suất các mô hình tăng hơn so với cà phê vườn đối chứng từ 0,8 đến 1,1 tấn/ha. Hiện nay, sản phẩm này đã được đưa vào chương trình tái canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng và chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh sử dụng.

Cũng theo ông Lại Thế Hưng, một trong những vấn đề lo ngại nhất hiện nay đối với người trồng cà phê tại Lâm Đồng là hội chứng vàng lá cà phê. Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có hơn 4.800ha bị hội chứng vàng lá, trong đó có khoảng 2.000ha bị nhiễm nặng. Điều đáng nói, cây cà phê bị nhiễm hội chứng vàng lá thường đi cùng với các biểu hiện như: cây sinh trưởng phát triển kém, năng suất giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra hội chứng vàng lá cà phê bao gồm tuyến trùng, nấm, côn trùng. Trong đó, tuyến trùng  là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng vàng lá, thối rễ. Để giúp nông dân phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê và thúc đẩy sự sinh trưởng cho cây cà phê, trong năm 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ KHKT Khoa Đăng tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về thuốc Tiêu tuyến trùng 18EC và thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP cho trên 5.000 nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều điểm mô hình nhỏ và  5 mô hình lớn “Phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê” tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Kết quả ghi nhận từ các mô hình rất tốt, thuốc Tiêu tuyến trùng 18EC và điều hòa sinh trưởng RIC 10WP có khả năng phòng trừ tuyến trùng, giúp bộ rễ cây phục hồi, phát triển tốt, cây cà phê sinh trưởng mạnh và cho năng suất cao, chất lượng hạt to.

Hội thảo chuyển giao KHCN sản phẩm Tiêu tuyến trùng 18EC tại Lâm Hà, Lâm Đồng

Hội thảo chuyển giao KHCN sản phẩm Tiêu tuyến trùng 18EC tại Lâm Hà, Lâm Đồng

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ 2 sau tỉnh Đắc Lắc về diện tích và sản lượng cà phê, với tổng diện tích cà phê trong giai đoạn kinh doanh là 150.000ha, trong đó có hơn 30% diện tích cà phê già cỗi, có tuổi đời từ 20 đến 30 năm cho năng suất và chất lượng thấp. Từ kết quả tại các mô hình điểm sử dụng các thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP và Tiêu tuyến trùng 18EC ngay trên vườn cà phê của nông dân cho thấy, kết quả không những cho cà phê tăng năng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả canh tác mà còn có tác dụng tích cực trong việc cải tạo môi trường đất, phòng được tuyến trùng và một số sâu bệnh hại khác trên cây cà phê. Đây được xem là một trong những giải pháp tốt, giúp người trồng cà phê trong tỉnh thực hiện cải tạo vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp thành những vườn cà phê trẻ hóa, tươi tốt, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Góp phần vào thành quả chung của quá trình triển khai thực hiện Chương trình tái canh cà phê của Chính phủ tại địa phương./.