Những vườn cà phê mênh mông sẽ trở thành những sinh cảnh đẹp? Trồng cà phê có thể kết hợp làm du lịch? Năng suất cà phê cao và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững? Những câu hỏi và trả lời đặt ra trong Hội thảo “Khởi động các dự án cảnh quan cà phê bền vững – Chương trình ISLA tỉnh Lâm Đồng” đã đưa ra một tương lai rất đẹp với sự huy động nhiều nguồn lực trong cộng đồng và hợp tác công tư hiệu quả.
Rừng trám giữa vùng cà phê, một mô hình sinh thái đẹp tại Lâm Hà

Rừng trám giữa vùng cà phê, một mô hình sinh thái đẹp tại Lâm Hà

Vườn cà phê trở thành sinh cảnh đẹp

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ hai Việt Nam về diện tích cà phê với trên 150 ngàn ha. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác cà phê tại Lâm Đồng còn rất nhiều yếu tố phải cải thiện, đặc biệt việc canh tác cà phê đã khiến sinh thái bị ô nhiễm, nguồn nước bị sử dụng thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Làm sao để có một nông thôn với vùng cà phê năng suất chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo môi trường bền vững, thậm chí trở thành những sinh cảnh đẹp, phục vụ du lịch là câu hỏi rất nhiều người, nhiều tổ chức chia sẻ.

Đại diện Công ty LDC, một công ty chuyên về giải pháp nông nghiệp đã vạch ra một hướng mở khi giới thiệu Dự án phát triển mô hình cảnh quan cà phê và tăng cường năng lực giảm xói mòn đất, duy trì nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua khảo sát, Dự án cho thấy 74% diện tích cà phê ở Di Linh và Bảo Lâm không có cây che bóng, đất trồng cà phê dốc từ 7-35% và thiếu độ che phủ. Lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao, không phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất cà phê UTZ, mất độ che phủ, xói mòn là những vấn nạn đe dọa vùng cà phê Lâm Đồng. Theo đó, dự án sẽ phát triển 30 điểm mô hình về nông lâm kết hợp – tưới nước tiết kiệm và các giải pháp bảo tồn nước. Vườn tham gia mô hình sẽ được thiết kế kết hợp nông – lâm – nước tưới và có thể cả tái canh. Với mức hỗ trợ tổng hợp trên 50% cho các hạng mục, những nông hộ tham gia sẽ được huấn luyện cẩn thận, làm “điểm” với mục tiêu nhân rộng ra toàn vùng. Đây là một dự án với sự đóng góp bởi LCD, IDH, JDE và Syngenta.

Tương tự như Dự án phát triển mô hình cảnh quan cà phê và tăng cường năng lực giảm xói mòn đất, duy trì nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu, Dự án Bảo tồn nước và quản lý đất canh tác cà phê của Công ty ACOM mở theo hướng hỗ trợ nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát và giảm thiểu đất thoái hóa bằng xây dựng hệ thống đê đập, mương nước quanh vườn cà phê, mở rộng diện tích hồ chứa và khôi phục lại nguồn nước ngầm. Với dự án của ACOM, mỗi vườn cà phê trở thành một sinh cảnh đẹp với cây che bóng, mương, hồ chứa tạo nên một cảnh quan bền vững. Dự án được sự tài trợ của SMS, IDH và ISLA, thực hiện tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk với quy mô 8.000 ha cà phê.
Dự án VnSAT Lâm Đồng đang được thực hiện tại 8 huyện có diện tích cà phê lớn với tổng vốn 9,178 triệu USD. VnSAT tập trung vào các giải pháp quản lý giống tốt, quản lý tài nguyên đất và tưới tiết kiệm nước. Di Linh cũng là trọng điểm VnSAT thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.
Dự án thiết thế cảnh quan huyện Di Linh, với trung tâm là điểm xã Gung Ré sẽ là hạt nhân của các dự án cải tạo cảnh quan cà phê. Khớp với quy hoạch của địa phương, các nguồn lực từ nhiều tổ chức sẽ thực hiện việc quy hoạch cảnh quan và xây dựng cảnh quan điểm từ xã Gung Ré, biến nơi đây thành cảnh quan cà phê bền vững điển hình.
Huy động nguồn lực phối hợp thực hiện cảnh quan bền vững
Không ít các dự án tại Lâm Đồng đã lãng phí kinh phí, nhân lực bởi việc đào tạo, tập huấn hay thực hiện nhiều công việc lặp đi lặp lại, bởi nhiều tổ chức, dự án khác nhau. Lần này, những dự án có chung một mục đích đang “ngồi chung chiếu”, cùng hợp tác với một mục tiêu chung, giảm thiểu chi phí và phối hợp hoạt động. VnSAT, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Lâm Đồng đang phối hợp chặt chẽ với ISLA, chương trình Xây dựng cảnh quan Tây Nguyên. Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc chương trình ISLA Việt Nam chia sẻ, hai bên phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, đào tạo tập huấn chung theo một bộ kiến thức chuẩn, cùng phối hợp với chính quyền trong các hoạt động. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau, tiết giảm chi phí đồng thời cùng xây dựng quy hoạch cảnh quan bền vững cho vùng cà phê.
Bên cạnh hai dự án, hợp tác công – tư cũng được chú trọng với sự tham gia của các công ty tư nhân và sự hợp tác của chính quyền địa phương và người dân cùng hưởng lợi từ dự án. Đặc biệt, việc xây dựng quy hoạch và thực hiện cảnh quan bền vững đều có sự tham gia của các cư dân, những người trực tiếp làm, hưởng lợi và duy trì cảnh quan. Xét cho cùng, việc tham gia lâu dài của người dân, bên cạnh việc hỗ trợ của những nguồn lực bên ngoài, sẽ là đảm bảo bền vững nhất để xây dựng nông thôn Lâm Đồng trở thành một nông thôn đẹp trong tương lai.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu đang là vấn đề rất cấp bách với Lâm Đồng nói riêng và tất cả chúng ta nói chung. Chính quyền Lâm Đồng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các dự án, điều phối các nguồn lực để có thể thực hiện mục tiêu xây dựng cảnh quan cà phê bền vững. Vì mục tiêu chung là một Lâm Đồng xanh, sạch, đẹp và giàu, các bên tham gia sẽ thực hiện nhiệt tình nhiệm vụ của mình, là động lực thúc đẩy nông thôn Lâm Đồng phát triển.
Ông Flavio Corsin, Giám đốc IDH tại Việt Nam: Mục tiêu của chúng ta là giúp người nông dân tăng năng suất, tăng chất lượng cà phê từ đó tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo cân bằng giữa bài toán thâm canh tăng năng suất đồng thời giảm sâu bệnh, giảm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ an toàn cho người nông dân và tiếp cận được những thị trường cao cấp hơn. Lâm Đồng phải đặt những mục tiêu, tham vọng cao hơn như trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn của Việt Nam, khu vực và phấn đấu đạt tham vọng đó. Việc tham gia chặt chẽ của chính quyền địa phương sẽ giúp dự án được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng:Tôi cho rằng việc phối hợp các dự án có cùng mục đích là rất hiệu quả do thống nhất các nguồn lực. Việc đào tạo có thể giảm thiểu chi phí do chung một tiêu chuẩn, chung một mục tiêu. Tuy nhiên, cần chú ý tới việc đảm bảo quyền lợi của người nông dân như giá cả mua cà phê chất lượng cao. Nếu các dự án phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, chúng ta sẽ đạt tới mục tiêu một kiểu mô hình cho một vùng sinh thái, với chi phí tiết kiệm nhất và hiệu quả tốt nhất.
Nguồn: baolamdong online