Hiện tượng vàng lá cây cà phê Lâm Đồng xuất hiện trong 10 năm qua, phổ biến từ thời kỳ kiến thiết cơ bản đến thời kỳ bắt đầu kinh doanh. Sau nhiều năm điều tra, cơ quan bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xác định tác nhân gây hại bởi các loại nấm và tuyến trùng, khuyến cáo nông dân áp dụng từng biện pháp quản lý phòng trừ hữu hiệu hơn.

Chọn cây giống cà phê đảm bảo chất lượng nhằm tăng khả năng đề kháng bệnh thối rễ, vàng lá trong quá trình sinh trưởng

Vàng lá hơn 23.000 ha cà phê

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Lâm Đồng, từ năm 2007, bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê xuất hiện trên diện rộng thuộc các vùng sản xuất trọng điểm của Lâm Đồng như Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, mức độ gây hại khác nhau từ vài ngàn hecta đã liên tục tăng lên cả chục ngàn hecta rồi lên đến 21.600 ha và hơn 23.000 ha (trong đó 6.400 ha nhiễm từ trung bình đến nặng) lần lượt trong 2 năm 2012, 2013.

Tháng 5/2014, Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá cà phê ở Lâm Đồng” chính thức được triển khai, do Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng chủ trì. Qua điều tra 300 hộ nông dân trồng cà phê tiêu biểu ở 4 huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc cho thấy việc tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng phòng trừ bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê còn nhiều hạn chế, phần lớn nông dân tự trao đổi, thực hành kinh nghiệm theo tập quán canh tác từ khu vực sản xuất này nhân rộng đến khu vực sản xuất khác. Dẫn đến trong quá trình sản xuất, vẫn còn tỷ lệ khá cao hộ nông dân chưa nhận dạng các nguyên nhân nhiễm bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê như về sinh lý cây trồng, các loại nấm và tuyến trùng gây hại. Trong khi đó, một tỷ lệ đáng kể diện tích cà phê của nông dân vẫn thâm canh cây giống cà phê thực sinh và các loại giống khác đang dần thoái hóa vì già cỗi, nên không có khả năng đề kháng các loại bệnh hại nói chung, bệnh vàng lá, thối rễ nói riêng.

Cụ thể hơn, Chị cục TT&BVTV Lâm Đồng đã phân tích nguyên nhân vàng lá, thối rễ cà phê từ các biện pháp canh tác không phù hợp là: “sử dụng phân chuồng thấp hơn lượng khuyến cáo, bón phân không đúng thời điểm và không đúng cách, khiến một số khu vực đất canh tác bị chai cứng; cung cấp nước tưới không kịp thời và đầy đủ trong thời kỳ cây ra hoa đậu trái; tỷ lệ trồng cây che bóng, chống xói mòn đất còn rất thấp; chưa chọn lựa đúng nguồn cây giống cà phê chất lượng cao để tái canh…”.

Nhận dạng nấm và tuyến trùng gây hại

Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu rễ cây cà phê vàng lá trong điều kiện canh tác khác nhau ở 4 huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc nói trên, Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng nhận dạng 4 giống tuyến trùng và 3 nhóm nấm gây hại.

Đó là tuyến trùng Pratylenchus, Meloidogyne mật độ trên 100 g đất lần lượt 163 con và 148 con; tuyến trùng Radopholus, Rotylenchus tần suất xuất hiện từ 20 con – 41 con/100 g đất. Và 3 nhóm nấm xác định trong mẫu đất phân tích với các tỷ lệ 100% (Fusarium), gần 78% (Rhizoctonia) và hơn 61% (Pythium). Ngoài ra nguyên nhân gây thối rễ, vàng lá cà phê còn do yếu tố dinh dưỡng bổ sung trong đất thiếu các tỷ lệ thành phần như: Magie (38,9%), canxi (66,7%), kẽm (33,3%), kali (22,2%), lân (27,8%)…

Qua khảo nghiệm từng mô hình đối chứng, Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng đã khuyến cáo nông dân phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ cây cà phê bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học Landsaver (20 – 40 lít/ha), nấm Paecilomyces lilacinus (30 kg/ha), thuốc điều hòa sinh trưởng Ric 10wp, bón thêm vôi 1.000 – 1.200 kg/ha…

Kết quả chuyển giao rộng rãi cho nông dân thực hành các quy trình kỹ thuật canh tác và sử dụng các chế phẩm mới vừa nêu, bệnh thối rễ, vàng lá trên các vùng cà phê trọng điểm trong tỉnh Lâm Đồng đã giảm xuống rõ rệt cả về diện tích và tỷ lệ gây hại. Đáng kể nhất là tính đến thời điểm nghiệm thu Đề tài vào tháng 11/2017, diện tích cà phê vàng lá, thối rễ toàn tỉnh Lâm Đồng giảm xuống còn 7.730 ha, trong đó chỉ còn 960 ha nhiễm bệnh mức trung bình, tỷ lệ hại từ 7,5% đến 20%.

“Như vậy bệnh thối rễ, vàng lá đã tìm ra giải pháp quản lý đối với cây cà phê vối, còn lại đối với cây cà phê chè (chiếm 15% trên tổng diện tích) trong thời gian tới cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu trên diện rộng, từ đó xây dựng quy trình hiệu quả nhất để sớm chuyển giao cho nông dân…”, Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng nhận định.

VĂN VIỆT
Báo lâm đồng