Kính chào quý vị, các bạn!

Mời quý vị và bà con nghe chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây Nguyên,  phát sóng thứ bảy hàng tuần. Chuyên mục do Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Khoa Đăng, số 9 Hoàng Diệu, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng thực hiện.

Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi hướng dẫn cách chăm sóc cà phê giai đoạn từ ra hoa tới đậu quả của bà con nông dân. Tiếp đó, phóng viên chuyên mục có cuộc trao đổi với kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thu Thảo, cán bộ trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai về những cơ sở, cách thức chăm sóc cà phê giai đoạn ra hoa tới đậu quả. Sau đây là nội dung chi tiết:

Thưa bà con và các bạn! Việc chăm sóc vườn cà phê giai đoạn ra hoa đến đậu quả rất quan trọng, vì nó có góp phần quyết định đến năng suất khi thuc hoạch. Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng quy trình được ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, mỗi chủ vườn tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai lại có những cách thức riêng áp dụng trên vườn cây của mình. Phản ánh của Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên:

Ông Lê Bá Thắng, ở đường Ung Văn Khiêm, thành phố Pleiku có 1 ha cà phê 21 năm tuổi. Vì vườn cây đã già cỗi, nên năng suất những năm gần đây chỉ từ 6 đến 7 tấn/1ha. Chưa có điều kiện tái canh, nên năm nay, ông Thắng dự định tăng năng suất cà phê bằng cách gia tăng lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên vườn. Bởi vì theo ông, bộ rễ của cây đã quá già, nên khả năng hấp thu dinh dưỡng bị giảm đi đáng kể, nếu không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn ra hoa, thì không những lượng hoa ít, mà khi đậu quả, quả cũng dễ bị rụng non. Ông Lê Bá Thắng nói:

Tăng năng suất bằng cách bón phân nhiều lên. Bón nhiều hơn vì cành nó già cỗi, rồi cành rậm rạp hơn, thì hẳn nhiên sâu bệnh nhiều hơn. Ví dụ như trước đây mình bỏ 2 kg/ 1 gốc thì nay mình có thể bó 2,5 kg đến 2,8 kg. Bón lướt qua 1 lớp phân, nhất là phải có N-P-K, có thuốc sâu rầy, sâu bệnh; hoa nó vừa héo là phải phun thuốc sâu rầy, tăng hàm lượng lên, giữ được cứng cành, cứng cuống hoa, cứng cuống trái.

Còn chị Nguyễn Thị Bẩy, ở số 66, đường Phù Đổng, thành phố Pleiku thì tuân thủ đầy đủ các bước chăm sóc cà phê đã được tập huấn trước đó tại UBND phường. Bên cạnh đó, theo chị, lúc cà phê ra hoa, muốn tỷ lệ đậu quả cao, lượng phân và loại phân rất quan trọng. Hiện nay, thị trường có nhiều loại phân giả, kém chất lượng. Do đó, để đảm bảo không lỡ nhịp sinh trưởng của cây vì bón nhầm các loại phân này, chủ vườn cần lựa chọn các thương hiệu phân N-P-K uy tín, đồng thời, ở các thời điểm bón phân, cần bổ sung thêm một số loại phân để hoa và trái chắc, khỏe. Chị Nguyễn Thị Bẩy nói:

Theo kinh nghiệm thì cứ tưới nước thật đẫm vô. Giai đoạn đầu thì bỏ phân ure, đạm để tạo cho cành xanh. Khi mà nó ra được hoa, thì cách 20 ngày mình tưới nước 1 đợt nữa thì mình bỏ phân N-P-K mùa khô để nó có sức.

Thưa quý vị và  bà con nông dân, phản ánh trên cho thấy, đối với việc chăm sóc cà phê giai đoạn từ ra hoa đến kết quả, mỗi chủ vườn làm một cách khác nhau và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ thực tế canh tác. Nhằm giúp bà con có đầy đủ kiến thức về việc chăm sóc dinh dưỡng cho cà phê giai đoạn này, phóng viên chuyên mục đã có cuộc trao đổi với kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thu Thảo, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Gia Lai về vấn đề này.

Câu hỏi: Thưa kỹ sư, việc bón phân cho cà phê giai đoạn ra hoa và đậu quả quan trọng và cần thiết như thế nào?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo: Việc bón phân cho cà phê giai đoạn ra hoa và đậu quả hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng, bởi các lý do sau đây. Thứ nhất, như chúng ta đã biết, cây cà phê là cây công nghiệp dài ngày. Do đó, trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của nó đều cần lượng dinh dưỡng nhất định. Không riêng chỉ chúng ta chú trọng bón phân vào mùa mưa, mà chúng ta phải lưu ý vào mùa khô, tức là giai đoạn ra hoa đậu quả. Thứ hai nữa, đối với cà phê, giai đoạn sau thu hoạch xong thì cà phê đã mất đi lượng dinh dưỡng khá lớn cấu thành năng suất khi chúng ta thu hoạch. Do đó, chúng ta phải bón phân bù đắp lại lượng dinh dưỡng mất đi, đồng thời phục hồi cho vườn cây tốt hơn. Và nếu bón phân giai đoạn này, làm cho quá trình ra hoa, đậu quả thuận lợi thì hứa hẹn một vụ mùa năng suất, hiệu quả hơn.

Câu hỏi: Ở giai đoạn này, người trồng cà phê cần xác định lượng phân bón như thế nào, hàm lượng các chất ra sao để cây ra hoa, đậu quả thuận lợi, thưa kỹ sư?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo: Cây cà phê sinh trưởng và phát triển cần rất nhiều yếu tố dinh dưỡng. Mỗi yếu tố đó đóng một vai trò nhất định trong quá trình sinh trưởng, hay cấu thành năng suất, chất lượng cấu thành năng suất cà phê. Vào giai đoạn ra hoa, đậu quả này, những yếu tố quan trọng nhất là các yếu tố đa lượng và nhất là yếu tố về đạm. Đa lượng ở đây chính là nhiều, tức là cây sử dụng lượng nhiều như đạm, lân, kali. Bên cạnh đó là các yếu tố trung lượng, tức là cây sử dụng lượng ít hơn như can-xi, ma-giê, lưu huỳnh. Hoặc là các yếu tố vi lượng, cây sử dụng với lượng rất ít nhưng cần thiết như bo, kẽm, sắt… Vào giai đoạn này, chúng ta có thể sử dụng phân đơn hoặc phân N-P-K tổng hợp vào mùa khô, với lượng đạm cao, như công thức 20-5-5 + TE . Trong đó bao gồm cả đạm, lân, kali và TE, tức là các yếu tố vi lượng, giúp cho quá trình ra hoa, đậu quả tốt và giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Riêng đối với những vườn cây cho năng suất cao, khi ta thu hoạch xong thì nó trở nên suy kiệt. Do đó, chúng ta có thể  bị suy kiệt. Do đó, chúng ta có thể sử dụng phân bón lá, để bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây thì hiệu quả của việc hấp thu dinh dưỡng      sẽ nhanh hơn và phục hồi vườn cây sẽ tốt hơn.

Câu hỏi: Hiện nay, để tránh mua phải phân giả trên thị trường, một số chủ vườn tiến hành mua phân đơn và trộn N-P-K theo tỷ lệ. Xin kỹ sư cho biết hướng dẫn và khuyến cáo của mình đối với cách làm này?

Kỹ sư Lê Thị Thu Thảo:  Hiện nay, trên thị trường phân bón có nhiều chủng loại. Trong đó, không ít các loại phân bón giả, nhái, kém chất lượng chà trộn vào. Vì vậy, một số hộ gia đình sử dụng phương án an toàn là mua phân đơn về phối trộn. Tuy nhiên, với cách làm này có ưu điểm, tuy nhiên có nhược điểm là đòi hỏi người phối trộn này phải nắm bắt kỹ thuật tốt, đảm bảo làm sao tránh hiện tượng mất phân, một số chất thừa, một số chất thiếu. Nếu như chúng ta phối trộn giữa ure và phân lân thì dễ dẫn tới tình trạng bay hơi. Do đó, chúng ta mất phân mà không biết. Bà con lưu ý khi phối trộn xong, chúng ta phải tiến hành bón ngay, đảo đều để giúp cho việc bón phân trong vườn đồng đều hơn. Riêng đối với N-P-K hỗn hợp có ưu điểm là khi nhà sản xuất đã tính toán được tỉ lệ, liều lượng trong đó, đồng thời, nó còn bổ sung thêm các yếu tố trung, vi lượng nữa. Giai đoạn này cần ít nhưng rất cần thiết cho cây. Và việc bón N-P-K hỗn hợp giúp chúng ta tiết kiệm được công, hiệu quả sử dụng phân sẽ cao hơn. Tuy nhiên,  khi sử dụng N-P-K mùa khô này, thì bà con lưu ý nên lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường để bón. Tuy nhiên, khi ta sử dụng phương án N-P-K hỗn hợp thì nên lựa chọn các sản phẩm uy tín của các thương hiệu có uy tín, có chất lượng trên thị trường và sau khi sử dụng xong nên để dành, cất giữ bao bì, cất giữ một ít phân bón làm cơ sở, bằng chứng sau này, nếu gặp phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn bà con và các bạn quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!