Kính chào quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Chuyên mục đồng hành nhà nông Tây nguyên hôm nay, chúng tôi giới thiệu những mô hình chăm sóc hồ tiêu đúng cách, làm nên những vườn hồ tiêu xanh tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao ở xã Dlyê M’nông và xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc. Tiếp đó, chuyên gia nông nghiệp sẽ trao đổi về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thưa bà con và các bạn!

Ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, nhiều bà con nông dân ở Đắc Lắc đã nhận trái đắng khi hồ tiêu bị chết hàng loạt do thời tiết bất thường và không chú trọng kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh. Tuy nhiên, với một số hộ trồng tiêu ở xã Dlyê M’nông và xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, dù trồng sau nhưng biết chăm sóc thận trọng, đúng quy trình kỹ thuật, đã làm nên những vườn hồ tiêu xanh tốt, không bị dịch bệnh, đạt năng suất cao. PV chuyên mục phản ánh:

Hiện nay, gần 20 hộ thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Dlyê M’nông, xã Dlyê M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc đã đầu tư quy trình tưới nước tiết kiệm cho vườn cây. Ông Nguyễn Viết Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dlyê M’nông cho biết, chi phí đầu tư cho tưới nước tiết kiệm mỗi ha khoảng 50 triệu đồng, tuy hơi cao nhưng rất hiệu quả. Trước hết là với cây hồ tiêu: Hầu hết vườn cây các hộ đều có hồ tiêu trồng xen và một số diện tích chuyên canh mới trồng khoảng 2 đến 3 năm, đã sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao. Ông Nguyễn Viết Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dlyê M’nông nói:

Theo quy trình tưới nước tiết kiệm này thì đã tiết kiệm được rất nhiều nước, thứ hai là công tưới gần như bằng không, và phân bón thông qua tưới nước tiết kiệm thì cũng không mất công đi bón phân nữa, mà nó theo nước tự bón, rồi tiết kiệm được lượng phân, điều hòa lượng phân quanh năm cho cây trồng, giảm được nhiều chi phí khác…

Cách đây hơn 3 năm, khi vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, gia đình bà Nguyễn Thị Năm, ở thôn 13, xã Ea M’dróh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc đã chọn hồ tiêu để trồng thay thế. Bà Năm cho biết, trước hết phải chọn mua được giống tiêu tốt, có sức kháng bệnh; giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng. Bà Năm đầu tư hàng nghìn trụ tiêu sống, hàng nghìn mét ống dẫn nước tưới và chú trọng khâu bón phân chăm sóc cho cây hồ tiêu. Quá trình chăm sóc, vườn hồ tiêu này thường xuyên được cắt tỉa cành lươn, tập trung cành chính phát triển có đủ dinh dưỡng để nuôi quả; cắt bỏ các cành tiêu có dấu hiệu sâu bệnh, cành già cỗi, cành có lá chạm mặt đất, giúp cây tiêu sinh trưởng khỏe hơn và ít nhiễm nấm bệnh phát sinh từ đất. Nhờ chăm sóc tốt, vườn hồ tiêu của gia đình bà Năm hơn 3 tuổi đã đạt năng suất gần 4 tấn/ ha. Bà Nguyễn Thị Năm chia sẻ kinh nghiệm:

Nước thoát thì mình cũng không để chứa đọng nước trong bồn, phải cho nước thoát, phân chuồng mình ủ thường xuyên, 1 năm bỏ 2 – 3 đợt, cũng không bỏ nhiều, phân thì chọn loại chất lượng đảm bảo tốt. Còn trụ sống thì nó giữ được độ mát cho cây…

Gia đình chị Trần Thị Trang, ở thôn 13, xã Ea M’dróh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc cũng đang sở hữu vườn tiêu gần 2,5 ha tươi tốt và trĩu quả. Chị Trang cho biết, vụ tiêu thu hoạch sắp thu hoạch năng suất ước đạt gấp đôi vườn tiêu trước đây đã phá bỏ. Chị Trang cho rằng, bón phân cho hồ tiêu và kỹ thuật tưới nước là các khâu quan trọng nhất giúp cây hồ tiêu phát triển tốt và đảm bảo năng suất:

Tiêu nhà em thì hầu như ai cũng phải vào mà xem, rõ ràng là rất đẹp. Chỉ có khi mình tưới là vất vả, là tưới cao để ngấm dần dần xuống trụ, rồi xuống đất, sau đó mình tưới quanh quanh ụ chứ không tưới trực tiếp vào ụ nó trôi hết đất. Em thấy là đắp ụ tốt hơn, mỗi lần tưới bỏ phân thì mình lấy ít đất rắc lên phân để nó khỏi bay hơi…

Cư M’gar là huyện có diện tích hồ tiêu khiêm tốn so với nhiều địa phương lân cận, chủ yếu trồng xen với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiêu, bà con nông dân đã chú trọng kỹ thuật chọn giống, chăm sóc và phòng chống bệnh nên nhiều vườn tiêu ở Cư M’gar đạt năng suất cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh. Đây cũng là cây trồng giúp hàng trăm hộ nông dân ở Cư M’gar vươn lên làm giàu.

Thưa quý vị, các bạn và bà con nông dân!

Hồ tiêu là cây trồng khó tính, dễ bị bệnh, cần chăm sóc và phòng chống bệnh đúng kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh thời tiết, khí hậu ngày càng bất thường. Từ chọn giống, chọn trụ tiêu, đến tưới nước, bón phân, phòng bệnh… đều phải chú trọng. Để giúp bà con nông dân chăm sóc, phòng chống bệnh cho hồ tiêu hiệu quả, PV chuyên mục có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, chuyên gia kỹ thuật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học kỹ thuật-Khoa Đăng về vấn đề này, mời bà con và các bạn cùng nghe:

PV: Thưa ông, trụ cây sống đối với cây hồ tiêu có tác dụng thế nào và có nên dùng cây cao su làm trụ cho cây hồ tiêu không?

Ông H. P. B: Đối với đất bằng hay đất dốc cũng vậy, về trụ cây bà con nên trồng bằng cây trụ sống vì cây cũng cần có độ bóng che. Khi trồng với cây trụ sống nó cộng sinh với nhau, bộ rễ của cây trụ sống làm nhiệm vụ thoát nước và hút nước rất tốt. Đồng thời che chở được 1 phần ánh sáng trong giai đoạn khô hạn nắng nóng nhiều. Theo chúng tôi trong cây trụ sống nên chọn 3 cây họ đậu: cây muồng đen, cây cheo dậu và cây núc nác. Hiện nay cây núc nác rừng được trồng nhiều ở Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai… Và được chọn là 1 trong những cây được chọn để trồng tiêu tốt. Bởi vì những loại cây này thuộc cây họ đậu, thân thẳng, gỗ cứng, vỏ nhám, tán rộng vừa phải và ít có sâu bệnh hại cây…. Trong thực tế có những vườn cao su trồng 4-5 năm người dân vẫn đưa tiêu vào trồng và phát triển cũng tương đối tốt. Về cơ sở khoa học thì không nên nhưng trong thực tế thì cây vẫn phát triển tốt và chưa có vấn đề gì nên bà con đừng nên chặt cây cao su mà chỉ nên chặt bớt cành, tán và để ngọn lại. Bởi vì có lúc giá cao su lên cao thì bà con cũng nên có nghiên cứu làm sao để có nguồn thu nhập từ cây cao su.

PV: Nhiều bà con vẫn làm bồn cho cây hồ tiêu, điều này phải chăng là nguyên nhân khiến nhiều vườn tiêu bị bệnh, thưa ông?

Ông H. P. B: Về làm bồn thì không nên vì qua thực tế ở Đồng Nai, Vũng Tàu thì tiêu chết nhiều do bồn. Hiện nay 3 tỉnh Tây Nguyên vẫn đang còn nhiều bồn, vì vậy lượng tiêu chết rất nhiều. Nguyên nhân là do cách tưới nước của bà con còn tưới nhí nên cần để bồn chứa nước trong mùa nắng khi tưới. Bồn nước chính là nơi giữ lại nguồn nước của mùa mưa để lại, do vậy nguồn nước này chính là môi trường cho nấm gây bệnh chết nhanh phát triển và làm chết cây. Đó là tác nhân gây bệnh chết nhanh ở cây tiêu….

PV: Ông có khuyến cáo gì giúp bà con nông dân lựa chọn phân bón phù hợp và cách bón phân đối với cây trồng?

Ông H. P. B: Hiện nay trên thị trường có trên 7.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón cho nên thị trường phân bón rất hỗn loạn và khó lường. Nên bà con rất khó khăn trong chọn lựa phân bón. Bà con phải sáng suốt trong vấn đề này. Đặc biệt khi mua bà con nên chọn mua những hàng chính hạng, có đầy đủ giấy tờ đăng kí của nhà nước khi lưu hành. Thứ 2 bà con nên tìm hiểu kĩ làm thế nào để sử dụng đúng, không phải chỉ chủng loại thuốc hay phân. Chúng ta biết nguyên tắc sử dụng thuốc và phân là 4 đúng: đúng chủng loại, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách. Đa số bà con mắc sai lầm về nguyên tắc thứ 4. Ví dụ như bón phân xong lại chờ mưa xuống để mưa thấm, khi mưa xuống thì trước đó đã bốc hết phân đạm. Cho nên bà con phải lưu ý sử dụng sao cho đúng lúc và đúng cách. Muốn vườn tiêu bền vững hàng năm phải bón phân hữu cơ, ủ hoai mục và liều lượng ít nhất phải 20kg phân chuồng/trụ tiêu/năm. Nếu bón ít hơn thì những năm sau thấy cây xuống ngay, cho nên cần duy trì lượng phân hưu cơ nhiều, có thể sống đến 20-30 năm. Còn phân vô cơ là hỗ trợ để tăng năng suất nhưng lại không giải quyết vấn đề bền vững cho cây hồ tiêu. Đặc biệt khi dùng phân vô cơ phải sử dụng cân đối, đầy đủ, đa trung vi lượng. Việc mất cân đối chính là nguyên nhân khiến cho cây bị yếu, gây sâu bệnh phá hại cây hồ tiêu.

Xin chúc bà con áp dụng khoa học kĩ thuật tốt để hồ tiêu phát triển bền vững.

Bà con và các bạn vừa theo dõi chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây nguyên, do Cơ quan Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp sản xuất thuốc điều hoà sinh trưởng RIC10WP thực hiện.

Chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông Tây nguyên xin tạm dừng tại đây. Cảm ơn quý vị, các bạn và bà con nông dân đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt!